Tử thuở Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay, các tu sĩ cũng như cư sĩ đều tụng kinh bằng tiếng Hán Việt. Dĩ nhiên, trong những thời Phật giáo thịnh hành, các tăng sĩ sáng tác nhiều bài sám nguyện thật hay, nhưng bằng chữ Nôm, một thứ chữ khó hơn chữ Hán, nên không thể phổ biến sâu rộng được trong giới bình dân.
Tình trạng này kéo dài cho đến đầu thế kỷ XX, có ba tờ báo Phật giáo rất có giá trị ra đời – tờ Đuốc Tuệ ở Bắc, tờ Hải Triều Âm ở Trung, và tờ Từ Bi Âm ở Nam – được viết bằng Việt ngữ. Trong những số báo đó, có nhiều bài bình luận về giáo lý của Phật, thơ đạo, dĩ nhiên có nhiều đoạn kinh được dịch từ Hán văn cũng được đăng tải.
Nghi thức tụng niệm của Phật Giáo Việt Nam tuy có chuyển mình từ tiếng Hán Việt ra Việt ngữ, có tiến bộ, nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp, trong một vài Phật Học đường, hay những chùa ở tỉnh thành, còn các chùa ở miền quê, hay những chùa thuộc các tông phái khác đều có nghi thức tụng niệm riêng. Nhưng nội dung kinh tụng, cầu siêu vẫn là Kinh Di Đà, cầu an vẫn là Kinh Phổ Môn ..v..v.. bằng tiếng Hán Việt.
Thành thật mà nói, nghi thức tụng niệm của Phật Giáo Việt Nam có một sự hình thành đổi mới qua từng giai đoạn. Nhưng đà tiến triển quá chậm chạp, không theo kịp nhịp tiến hóa của xã hội văn minh hiện nay. Trước nhu cầu thiết yếu của giới Phật tử hải ngoại, ngôn ngữ phải được rõ ràng, không có thì giờ để chơi chữ. Trước sức lớn mạnh của dân tộc, không thể nào khép mình trong cái “kẹt” của văn tự. Do đó, tôi cố gắng hết sức mình, trong khả năng học vấn thô thiển, mạo muội dịch và soạn tất cả 16 NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY của hai giới Xuất Gia và Tại Gia.
Đây là quyển Nghi Thức Tụng Niệm đầu tiên đầy đủ nhất bằng Việt ngữ của Phật Giáo Việt Nam. Về nội dung quyển NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY nầy giống như quyển Chư Kinh Nhật Tụng và Các Nghi Thức Thông Dụng mà quý vị đã trì tụng từ trước đến nay. Có khác là quyển NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY hoàn toàn bằng Việt ngữ, là tiếng của mẹ Việt Nam, từ đầu quyển kinh cho đến hết, từ bài Nguyện Hương cho đến Tự Quy Y, trong suốt 17 Nghi Thức, và những bài phụ đính như 12 câu nguyện của Đức Quán Thế Âm, 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, và nhiều bài Sám Nguyện của Chư Tổ đều được dịch ra Việt ngữ. Cú pháp rõ ràng, lời văn bình dị, âm điệu nhẹ nhàng thanh thoát để tất cả mọi người tụng niệm lãnh hội được ý nghĩa một cách dễ dàng. Hoàn toàn không có đoạn Hán Việt, chen vào một đoạn Việt ngữ như trong một vài quyển Nghi Thức Tụng Niệm vào buổi giao thời.
Dĩ nhiên trong lãnh vực nào cũng có một số danh từ đặc biệt của lãnh vực đó. Muốn hiểu tường tận, độc giả phải làm quen một thời gian mới hiểu rõ được. Đặc biệt về Phật học, môn học có trước kỷ nguyên Dương Lịch, đồng thời với tiếng Hán Việt, đã thấm nhuần vào tư tưởng và ngôn ngữ Việt Nam. Tuy quyển Kinh nầy hoàn toàn bằng Việt ngữ, nhưng một số danh từ Hán Việt đã được Việt hóa lâu đời, nên dịch giả vẫn để nguyên như là tiếng mẹ Việt Nam nguyên chất vậy. Nếu dịch ra, khi tụng niệm, âm thanh nghe không được chỉnh.
Tuy chưa thực hiện được trong quyển NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY nầy, nhưng dịch giả vẫn thao thức. Đây không phải là một tác phẩm vĩ đại, chỉ là sự sưu tập, dịch thuật, nhưng là NGHI THỨC CĂN BẢN, sự tiến bộ phi thường để đánh dấu khúc quanh quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp – từ cách tụng niệm bằng âm tiếng Hán Việt ra cách tụng niệm bằng tiếng Việt nguyên chất – Dĩ nhiên, ở giai đoạn đầu, chắc quý vị cũng như chúng tôi cảm thấy bỡ ngỡ khi tụng niệm bằng tiếng Việt, nhưng về lâu về dài cảm thấy thích hợp hơn. Vả lại, con em của chúng ta ở hải ngoại nói tiếng Việt không rành, làm sao chúng hiểu được ý nghĩa kinh, khi vào Chùa tụng niệm.
MỤC LỤC
• Lời Dẫn Nhập
• Lợi Ích Của Sự Tụng Kinh Niệm Phật
• Nghi Thức Công Phu Khuya
• Nghi Thức Cầu An
• Nghi Thức Cầu Siêu hay Tịnh Độ
• Nghi Thức Sám Hối
• Nghi Thức Thí Thực Cô Hồn
• Nghi Thức Cúng Ngọ
• Nghi Thức Lễ An Vị Phật
• Nghi Thức Quá Đường
• Nghi Thức Cúng Vong
• Nghi Thức Lễ Phóng Sanh
• Nghi Thức Lễ Thành Hôn
• Nghi Thức Lễ Phật Đản
• Nghi Thức Lễ Vu Lan
• Nghi Thức Tụng Kinh Dược Sư
• Nghi Thức Cúng Sao Giải Hạn
• 12 Đại Nguyện Của Đức Quán Thế m
• 48 Lời Nguyện Của Đức Phật A Di Đà
• Bài Tống Táng
• Khuyến Tu
• Các Ngày Vía
• Những Ngày Trai
• Phương Danh Quý Vị Ấn Tống Kinh
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.