Cùng với sự hội nhập, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, chúng ta được tiếp cận với nền văn hóa muôn màu sắc của các châu lục, các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh này, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có một vị trí đặc biệt quan trọng. Chính những giá trị văn hóa cội nguồn của mỗi dân tộc đã khẳng định sự bền vững, trường tồn và phát triển của dân tộc đó trong cộng đồng các dân tộc trên hành tinh của chúng ta.
Phong tục tập quán thờ cúng trong mỗi gia đình là một phần của văn hóa dân tộc, nó gắn bó sâu sắc với mọi lớp người trong đời sống xã hội. Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa phong tục cổ truyền Việt Nam của đông đảo bạn đọc, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin cho ấn hành cuốn PHONG TỤC THỜ CÚNG CỦA NGƯỜI VIỆT.
Hy vọng cuốn sách sẽ góp phần làm giàu thêm kiến thức của bạn đọc về văn hoá Việt Nam dưới góc độ phong tục tập quán cổ xưa của ông cha ta.
I. Tục thờ cúng trong gia đình
II. Các lễ Tết trong năm.
III. Các nghi thức lễ khi làm nhà.
IV. Tục cưới hỏi.
V. Một số tập tục đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
VI. Tang ma.
VII. Nghi lễ dâng hương tại các đền, phủ.
VIII. Nhgi lễ dâng hương lễ phật tại chùa.
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA – THÔNG TIN
MỞ ĐẦU
Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Thường thờ cúng từ năm đời trở lại. Ngoài những kỳ giỗ của mỗi vị trong dòng họ, người Việt Nam còn thường cúng lễ tiên tổ vào những kỳ tuần, tiết, sóc, vọng. Lớn thì sửa cỗ mặn linh đình, có tế, có lễ và con cháu gần xa tụ hội đông đủ gặp mặt nhau, nhận họ, nhận hàng, tôn ty trên dưới. Nhỏ thì lễ chay hoa quả, thậm chí chén nước, nén nhang, lòng thành thắp lên gọi là nhớ công tiên tổ; nhờ có Tiên, có Tổ mà mới có mình.
Tập tục thờ cúng tổ tiên từ lâu đã trở thành một nét phổ biến trong sinh hoạt văn hoá của người Việt Nam; thể hiện đạo lý làm người – đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
Những thần linh, Thánh, Mẫu được người dân Việt Nam tôn thờ hầu như đều là các vị có công trạng với nhân dân và dân tộc. Nhớ ơn các vị, tưởng nhớ đến các vị cũng chính là duy trì đạo lý làm người: nhớ ơn và phụng sự tiền nhân như một tấm gương sáng cho muôn đời noi theo.
Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam (khoảng vào những thế kỷ đầu công nguyên) thì trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của dân tộc (thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần linh) đã có thêm một tôn giáo, một tín ngưỡng mới. Đó là thờ cúng: Đức Phật và Bồ Tát.
Đức Phật, Bồ Tát là một biểu trưng của những giá trị văn hoá, đạo đức, đạo lý làm người – con người chân chính.
Nghi lễ thờ cúng dâng hương gia tiên, gia thần vào các kỳ giỗ chạp, tuần, tiết, sóc, vọng… Tại các đình, đền, miếu, phủ hay chùa đều có dâng hương: nhỏ thì vào hàng ngày, lớn thì vào các kỳ lễ, tiết hay khi hội hè dân làng vào đám hàng năm. Điều ấy phổ biến từ xưa tới nay, lâu dần đã trở thành tập tục truyền thống tự nhiên mà mọi người đều tuân theo.
Thờ cúng dâng hương đã trở thành một tục, một lễ dâng hương; trong đó việc dâng hương phải có kỳ, có tiết; có nghi thức vái, lễ, lạy với những phẩm vật tuỳ từng lễ, tiết và văn khấn nữa.
Phong tục thờ cúng dâng hương không chỉ có nghĩa là thắp hương dâng lễ vật mà nó còn mang cả một ý nghĩa văn hoá và đạo đức. Cao hơn nữa nó còn mang ý nghĩa của một quan niệm triết lý vũ trụ và nhân sinh.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.