Khai Mở Con Mắt Thứ Ba
Con mắt thứ ba hay Tây Tạng Huyền bí – (The Third Eye – Lần đầu xuất bản năm 1956). Đây là cuốn sách đầu tiên, một cuốn tự truyện về cuộc hành trình của một thanh niên trẻ để trở thành một vị Lạt ma y tế và trải qua phẫu thuật để mở con mắt thứ ba. Chúng ta có được cái nhìn thoáng qua về cuộc sống trong lạt ma viện ở Tây Tạng và hiểu biết sâu sắc về kiến thức tâm linh. Cho đến thời điểm này cuộc sống trong các lạt ma viện ở Tây Tạng vẫn chưa được biết đến, ngay cả với một số ít người đã thực sự viếng thăm Tây Tạng. Lobsang đã vào tu viện Chakpori ở Tây Tạng và được học những điều bí mật nhất của khoa học Tây Tạng bí truyền và nhiều điều hơn nữa.
***
Tự truyện của một vị Lạt Ma Tây Tạng là một cuốn sách ghi lại những trải nghiệm độc đáo, và đương nhiên rất khó để chứng thực. Để nỗ lực xác minh những điều Tác giả tuyên bố, Nhà Xuất Bản đã gửi bản thảo tới gần hai mươi độc giả là những chuyên gia tinh thông và có trải nghiệm, một số người còn có những tri thức đặc biệt về chủ đề này. Ý kiến của họ mâu thuẫn đến mức trái ngược nhau. Một số người đặt nghi vấn về phần này hay phần khác trong cuốn sách, trong khi vài chuyên gia khác lại chấp nhận không chút nghi ngờ về những điều mà người khác cho là cần xem xét. Dù sao thì những người làm công tác xuất bản chúng tôi cũng tự hỏi rằng có chuyên gia nào đã trải qua quá trình đào tạo của một Lạt Ma Tây Tạng đạt tới hình thái phát triển cao nhất của nó không? Có ai đó đã lớn lên trong một gia đình Tây Tạng không?
Tác giả Lobsang Rampa đã cung cấp tài liệu chứng minh rằng ông có bằng y khoa của Đại học Trùng Khánh, và trong các văn bằng đó ông được mô tả là một vị Lạt Ma của tu viện Potala ở Lhasa. Nhiều cuộc trò chuyện cá nhân của chúng tôi với ông đã chứng minh ông là một người có quyền năng và tri thức khác thường. Về cuộc sống cá nhân của mình, ông thể hiện sự dè dặt đôi khi khó hiểu; nhưng mọi người đều có quyền riêng tư và Lobsang Rampa có thái độ như vậy có lẽ để che giấu sự an toàn cho gia đình ông vẫn đang sống ở mảnh đất Tây Tạng hiện đang do Trung Quốc quản lý. Thật vậy, một số chi tiết, chẳng hạn như vị trí thực của cha ông ở Tây Tạng, đã được cố tình ngụy trang vì mục đích này.
Vì những lý do này Tác giả buộc phải nhận và đã tự nguyện nhận trách nhiệm duy nhất về những về những gì ông viết trong cuốn sách. Ta có thể cảm thấy rằng đâu đó ông đã giành được sự tin tưởng của người phương Tây, dù cái nhìn của người phương Tây về vấn đề cuốn sách nói tới rất khó để khẳng định. Không ít nhà xuất bản tin tưởng rằng cuốn sách Con Mắt Thứ Ba1 này đích thực là cách giáo dục và đào tạo một cậu bé Tây Tạng trong gia đình và ở một tu viện. Chính với tinh thần này mà chúng tôi xuất bản cuốn sách. Chúng tôi tin rằng, bất cứ người nào không phải chúng tôi ít nhất cũng sẽ đồng ý rằng tác giả được trời phú cho một kỹ năng tường thuật đặc biệt, tài năng gợi cảnh và những nét đặc sắc của sự hấp dẫn và thích thú khác thường.
***
Tuesday Lobsang Rampa tự nhận mình là linh hồn của một vị lama người Tây Tạng đã mượn tạm xác của một người Anh tên là Cyril Hoskin (8 tháng 4 1910 – 25 tháng 1 1981). Cái tên Tuesday (thứ Ba) liên quan đến lời ông kể rằng các quý tộc người Tây Tạng được đặt tên theo ngày mà họ sinh ra.
Vào tháng 11 năm 1956 một cuốn sách với tựa đề The Third Eye (Con mắt thứ ba) được xuất bản ở Anh. Cuốn sách được viết bởi một người ký tên là Lobsang Rampa và kể lại những kinh nghiệm của ông khi lớn lên trong một tu viện ở Tây Tạng từ năm lên bảy tuổi. Tựa đề cuốn sách liên quan đến một cuộc phẫu thuật trên trán để mở ra con mắt thứ ba để làm tăng cường khả năng nhìn aura của ông.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.