Sách : Nghệ Thuật Chơi Chữ Trong Ca Dao Người Việt – Triều Nguyên
Chơi chữ là dùng phương thức diễn đạt đặc biệt, dựa vào đặc điểm của tiếng nói dân tộc, để tạo ra cùng lúc hai lượng ngữ nghĩa sóng kèm, không cùng nội dung thông tin, nhưng lại gắn kết nhau như hình với bóng. Do cách tạo nghĩa không bình thường như vậy, nên chơi chữ đem lại sự sảng khoái, thú vị cho người đọc (nghe); và nó có sức hấp dẫn, thu hút người sáng tạo đi theo các phương tiện, cách thức của mình. Có điều, là nó cũng đặt ra yêu cầu cao hơn mức sáng tạo bình thường. Cho nên, chơi chữ thể hiện chất trí tuệ, tài hoa trong văn chương.
Nghiên cứu nghệ thuật chơi chữ trong ca dao người Việt, tức tìm hiểu phần tinh hoa trí tuệ vừa nói. Nó giúp chúng ta nhận ra cái hóm hỉnh, sắc sảo của tính cách Việt.
Chuyên luận nhằm cung cấp một cái nhìn tương đối đầy đủ, toàn diện về nghệ thuật chơi chữ trong ca dao người Việt, góp phần vào việc nghiên cứu ca dao nói riêng, nghiên cứu nghệ thuật chơi chữ trong văn chương người Việt (cả văn chương dân gian và văn chương bác học) nói chung. Mặt khác, việc nghiên cứu nghệ thuật chơi chữ trong văn chương tiếng Việt còn mỏng, chuyên luận cũng trình bày các hình thức, kiểu dạng chơi chữ trên một quan điểm nhất quán, ngõ hầu giải quyết về căn bản vấn đề, cả lí luận và thực tiễn.
Như vậy, đây là một công trình nghiên cứu văn học dân gian, ở bình diện ngữ văn.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.