Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác của nền văn học Việt Nam và thế giới. Từ khi ra đời vào những năm cuối thế kỉ XVIII, tác phẩm thơ lục bát này đã chinh phục trái tim khối óc và tâm hồn của biết bao thế hệ người Việt Nam và thế giới. Kể từ lần xuất bản đầu tiên mà chúng ta được biết là năm 1866, đến nay tác phẩm đã được in hàng trăm lần bằng rất nhiều loại văn tự: Nôm, Quốc Ngữ, Pháp, Anh, Nga, Hán, Đức,… Nhưng do chưa tìm được nguyên rác có thủ bút của chính thi hào nên mỗi lầ xuất bản, mỗi nhà biên khảo, mỗi dịch giả lại tự mình tạo nên một “Văn bản Truyện Kiều” theo công phu khảo cứu của mình, do vậy chuyện “Tam sao thất bản” là điều không thể tránh khỏi.
Quan tâm đến vấn đề khôi phục Nguyên tác Truyện Kiều, trong nhiều năm qua Lương y Nguyễn Khắc Bảo – Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã dành rất nhiều thời gian công sức và tâm trí, vào Nam ra Bắc, lặn lội khắp các làng xóm quê hương Kinh Bắc (quê ngoại của Đại thi hào Nguyễn Du) để tìm gặp các gia đình có truyền thống nho học, văn học, y học nhằm sưu tầm các văn bản Truyện Kiều chữ Nôm.
Công trình: “Truyện Kiều – bản Thịnh Mỹ Đường Tự Đức Kỷ Mão” do ông Nguyễn Khắc Bảo phiên âm và khảo đính là kết quả của quá trình khảo cứu đã lâu năm của tác giả. Lần xuất bản này trình bày song ngữ Nôm và Quốc Ngữ giúp độc giả vừa được “Thực mục sở thị” một trong những bản Truyện Kiều chữ Nôm cổ nhất, lại được đọc một văn bản Truyện Kiều, đã được tác giả “Gạn đục khơi trong – Đãi cát lấy vàng” từ hơn 40 bản Kiều Nôm cổ để xấy dựng nên bản Kiều Quốc ngữ này, nên có nhiều khả năng sát với nguyên tác Truyện Kiều hơn các bản thông dụng hiện nay.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.