Kinh thi là một bộ sách gồm có những câu ca dao rất cổ của Trung Hoa. Ngày xưa, Thiên tử cứ năm năm đi tuần thú một lần và ra lệnh cho quan Thái sư hiến dâng ca dao để xem phong tục của dân. Thiên Nghệ văn chí trong Hán thư có chép: “Cổ hữu thái thi chi quan, vương giả sở dĩ quan phong tục, tri đắc thất” (Xưa có chức quan phụ trách việc di nhặt ca dao; bậc vương giả lấy đó mà xem xét phong tục, biết được sự đắc thất về chính trị).
Trong Thi tập truyện, Chu Hy cũng luận về Quốc phong như thế này: “Quốc giả, chư hầu sở phong chi vực, nhi phong giả, dân tục ca dao chi thi dã. Vị chi phong giả, dĩ kỳ bị thượng chi hoá dĩ hữu ngôn, nhi kỳ hựu túc dĩ cảm nhân, như vật nhân phong chi đọng dĩ hữu thanh, nhi kỳ thanh hựu túc dĩ động vật dã. Thị dĩ chư hầu thái chi dĩ cống ư Thiên tử, Thiên tử thụ chi nhi liệt ư nhạc quan, ư dĩ khảo kỳ tục thượng chi mỹ ác, nhi tri kỳ chính trị chi đắc thất yên” (Quốc là chỉ lĩnh vực phong cho chư hầu; phong là gọi chung các bài thi ca trong dân gian. Gọi rằng phong là chỉ lời dân phát ra bởi chịu sự cảm hoá của người trên, mà lời ấy lại đủ để cảm người, như vật nhân có gió mà động và phát ra tiếng, rồi tiếng ấy trở lại làm rung động vật. Bởi thế nên chư hầu nhặt những thi ca ấy để hiến dâng Thiên tử, Thiên tử tiếp nhận và liệt vào nhạc quan, lấy đó để xét phong tục tốt xấu, biết việc chính trị nên hư).

Theo mấy lời dẫn trên thì những bài ca dao trong Kinh thi đã được các nhà cầm quyền ở Trung Quốc ngày xưa sưu tập trước đời Khổng Tử. Nguyên nhan đề sách ấy là Thi chứ không có chữ Kinh; người sau thêm vào chữ Kinh là vì cho rằng sách đó đã được Khổng tử san định. Nhưng Khổng tử thật có san định Kinh thi hay không? Đó là một vấn đề mà chúng ta phải đưa ra thảo luận.
Thiên Khổng tử thế gia trong Sử ký của Tư Mã Thiên có chép: “Tam bách ngũ thiên, Khổng tử giai huyền ca chi, dĩ cầu hợp Thiều, Vũ, Nhã, Tụng chi âm” (Khổng tử đã đem ba trăm lẻ năm thiên trong Kinh thi ra mà đàn ca để cho hợp với âm thanh của Thiều, Vũ, Nhã, Tụng). Thiên Tử hãn trong Luận ngữ cũng có dẫn lời Khổng tử: “Ngô tự Vệ phản Lỗ, nhiên hậu nhạc chính, Nhã Tụng các đắc kỳ sở” (Ta từ nước Vệ trở về nước Lỗ, nhiên hậu nhạc mới được chỉnh đốn lại, Nhã Tụng được đặt đúng chỗ).
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.